Các tế bào trong cơ thể chúng ta sinh ra để thực hiện một chức năng nhất định mà không thể thay thế được. Trong đó, có một loại tế bào ưu việt hơn cả, đó là tế bào gốc với khả năng biệt hóa -  đã trở thành nền móng của mọi tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Nhờ đó mà tế bào gốc đã được ứng dụng hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý ở người.
Tiếp nối những thành tựu của tế bào gốc trung mô, các nhà khoa học đã tìm ra một “gương mặt sáng giá” với tiềm năng ứng dụng không thua kém gì mang tên exosome, phát hiện này đã giúp mở thêm một cánh cửa mới trong y học tái sinh.
Exosome – chất tiết tế bào gốc trung mô (MSC), chứa các DNA, mRNA, miRNA, các loại protein, cytokines và các nhân tố sinh trưởng. Mang những đặc tính tương tự tế bào mẹ, các exosome khi đi vào cơ thể sẽ giúp tái tạo và sửa chữa các tế bào bị tổn thương và suy yếu thông qua các chức năng sinh học bao gồm biệt hóa đa dòng, giải phóng cytokine và tăng sinh tế bào.

Liệu pháp MSC – Exosome là một phương thức trị liệu mới, thực sự đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học qua những ưu điểm nổi bật như
Hạn chế nguy cơ thải ghép từ hệ thống miễn dịch, điều này thường xảy ra khi các tế bào miễn dịch trong cơ thể chúng ta phản ứng với yếu tố lạ được đưa từ bên ngoài vào. Exosomes không phải là tế bào, chỉ đóng vai trò như là “người vận chuyển”, xuất hiện ít kháng nguyên trên bề mặt màng ngoài, vì vậy hệ thống miễn dịch khó nhận biết nên rủi ro thấp hơn khi truyền vào cơ thể người.
Hiệu quả điều trị vượt trội nhờ kích thước rất nhỏ bằng 1/200 so với kích thước tế bào (30-100nm), đồng thời cấu trúc màng lipid kép giúp exosome có thể dễ dàng vượt qua các khoảng trống giữa các tế bào mao mạch để tiếp cận mục tiêu. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng exosome có thể dễ dàng đi qua hàng rào máu não (BBB) để tới tế bào đích.
 
Mặc dù mới được nghiên cứu trong những năm gần đây, nhưng các nhà khoa học đã cho thấy những tiềm năng to lớn của exosome trong Y học. Với những thành công bước đầu trong việc sử dụng exosome trong chẩn đoán ung thư. Cuối năm 2016, công ty Exosome Diagnostics ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ đã cho lưu hành sản phẩm thương mại đầu tiên trên thế giới sử dụng exosome trong máu bệnh nhân để chẩn đoán ung thư phổi có tên là ExoDx Lung (ALK). Phương pháp này có khả năng phát hiện và phân biệt được 5 loại đột biến khác nhau trong gene ALK gây ra các bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Bên cạnh đó exosome cũng đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác đặc biệt là da liễu thẩm mỹ và hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính: đái tháo đường, thoái hóa khớp, … mang lại triển vọng mới cho việc ứng dụng MSC exosome vào y học tái tạo.