13/09/2022 - 10:31 AM - 1.205 lượt xem
Theo thống kê, tỷ lệ phình mạch máu não trung bình khoảng 5% dân số. Phình mạch não có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, vỡ phình mạch thường gặp nhất ở lứa tuổi 50-60 nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán nhưng phình động mạch não sẽ nguy hiểm nếu vỡ, hoặc to chèn ép vào các cấu trúc giải phẫu xung quanh.
Phình mạch máu não là sự phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu. Đây là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, chúng còn được biết đến với tên gọi quốc tế là Brain Aneurysm. Khi mắc bệnh, đoạn mạch máu não của bệnh nhân có dấu hiệu phình hoặc phồng to bất thường. Theo nghiên cứu có khoảng 1.5 tới 5% dân số có phình mạch não, tương đương khoảng 2 tới 5 triệu người Việt Nam có phình mạch não, nhưng hầu hết không có biểu hiệu triệu chứng. Khoảng 0.5 tới 3% số người phình mạch có biểu hiện chảy máu não.
Hiện tượng này có thể xảy ra tại tất cả các đoạn mạch máu não, chính vì thế mọi người tuyệt đối không được chủ quan. Trên thực tế, hiện tượng phình mạch máu não xảy ra phổ biến tại động mạch thông trước, động mạch thân sau hoặc động mạch cảnh trong,… Cụ thể, mạch máu não phình to do cấu tạo thành mạch suy yếu hơn bình thường.
Dựa vào cấu trúc và một số yếu tố khác, bệnh phình mạch máu não được chia thành nhiều dạng khác nhau, trong đó có thể kể đến như: phình mạch dạng túi, hình thoi. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân đối mặt với vấn đề phình mạch bóc tách, hoặc do nhiễm khuẩn,… Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bạn sẽ gặp phải các dạng phình mạch máu não tương ứng.
Dấu hiệu nhận biết
Những người bị chứng phình mạch máu não hầu hết đều không gặp bất kỳ triệu chứng nào trước khi bệnh bắt đầu khởi phát. Nhưng với những túi phình lớn có thể gây đau đầu kéo dài, hoặc đau khu trú tại vùng có túi phình. Nếu túi phình nằm cạnh những cấu trúc thần kinh quan trọng có thể gây các triệu chứng như mờ mắt, liệu hoặc yếu nửa người, giảm trí nhớ hoặc khả năng nói, hiếm gặp có thể gây động kinh. Khi túi phình vỡ gây ra các triệu chứng đột ngột:
-
Người bệnh đau đầu dữ dội
-
Người bệnh có biểu hiện nôn, buồn nôn
-
Yếu liệt, suy giảm ý thức hoặc hôn mê.
-
Khó nói
-
Co giật.
Nguyên nhân gây phình mạch máu não
Hiện nguyên nhân, cơ chế chính xác gây nên túi phình động mạch vẫn chưa được xác định. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng là do khiếm khuyết bẩm sinh ở thành mạch. Hiện các nghiên cứu thấy rằng sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa với nhiều yếu tố cấu thành:
-
Tuổi: Tỷ lệ cao hơn khi độ tuổi tăng lên
-
Hút thuốc lá: Đây là một yếu tố nguy cơ rất cao
-
Xơ vữa mạch máu: Làm suy thành mạch
-
Tăng huyết áp
-
Uống nhiều rượu
-
Sử dụng chất kích thích
-
Đã bị chấn thương hoặc tổn thương mạch máu
-
Biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm trùng máu
Hậu quả của phình mạch máu não
Khoảng 30 đến 40% số người bị vỡ túi phình mạch tử vong (cả được điều trị và không). Khoảng 20 đến 35% để lại di chứng trong số những người được điều trị thành công. Khoảng 15 đến 20% số người có co thắt mạch não, dẫn tới thiếu máu não. Tim và phổi có thể hoạt động không bình thường dẫn tới rối loạn chung của toàn cơ thể.
Đột quỵ vẫn có thể xảy ra ở người trẻ tuổi và nguyên nhân sâu xa là do biến chứng phình mạch máu não. Điều đáng nói ở đây là hầu hết người bệnh không thể nhận ra sự hiện diện của nó cho đến khi tai biến mạch máu não xuất hiện, bệnh chỉ có thể phát hiện sớm bằng chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp vi tính.
Chẩn đoán phình mạch máu não
Khi có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra để có kết quả chính xác hơn, cụ thể: Chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp mạch máu não , Chụp cắt lớp vi tính (quét CT/CAT), Chụp mạch cộng hưởng từ ,…sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa phát hiện các đoạn phình mạch máu quan trọng điển hình trong não. Dựa vào các phương tiện chẩn đoán trên, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể xác định được vị trí, kích thước, hình dạng túi phình, từ đó lên phương án điều trị.
Phình mạch não là một bệnh nguy hiểm, phát triển thầm lặng, có thể giết chết bệnh nhân bất cứ lúc nào khi phình mạch vỡ. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay, chúng ta có thể phát hiện và loại trừ phình mạch trước khi vỡ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra như: những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu...