20/02/2021 - 10:16 AM - 2.254 lượt xem
Có rất nhiều băn khoăn rằng “Liệu sự khác nhau giữa khả năng miễn dịch ở mỗi người có liên quan gì đến nguy cơ ung thư trong tương lai hay không hay sự thiếu hụt tế bào miễn dịch có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?”. Không để bỏ ngỏ câu hỏi này, theo như tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố ngày 19/07/2019 trên tạp chí Frontiers in Immunology cho thấy sự tương quan sâu sắc giữa tỷ lệ hoạt tính của tế bào miễn dịch NK với sự hình thành và phát triển của ung thư.
Thiếu hụt tế bào miễn dịch NK là tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát, trong đó khiếm khuyết chính nằm ở CD56 + CD3 -. Ở các nghiên cứu này, tập trung xem xét các bằng chứng cho thấy liệu thiếu hụt tế bào miễn dịch NK có góp phần vào việc phát triển ung thư hay không. Những phát hiện này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về vai trò của tế bào NK trong việc ngăn ngừa ung thư và ý nghĩa của việc đánh giá các chức năng của tế bào NK.
Tế bào NK có khả năng gây độc tế bào chống lại các tế bào bị nhiễm virut và tế bào ung thư nhờ các thụ thể hoạt hóa và ức chế cho phép tế bào NK nhắm trúng đích các tế bào gây bệnh đồng thời ngăn chặn quá trình tự miễn dịch chống lại tế bào tự thân. Ngoài ra, tế bào NK còn tương tác qua lại với tế bào đuôi gai và tế bào T để gây độc tế bào chống lại các tế bào ung thư. Tế bào đuôi gai tiết ra cytokine kích hoạt tế bào NK tiết ra perforin và các chất chịu trách nhiệm cho quá trình chết của tế bào ung thư. Ngược lại tế bào NK có các mảnh kháng nguyên kích hoạt các tế bào đuôi gai và tế bào T để cùng gây độc lên tế bào ung thư.
Vai trò của tế bào NK trong khả năng miễn dịch chống ung thư đã được chứng minh ở chuột và người bị thiếu hụt tế bào NK. Nghiên cứu chỉ ra ở chuột thiếu hụt tế bào NK cho thấy khả năng loại bỏ tế bào khối u kém và tăng khả năng di căn so với bình thuờng. Tế bào NK ngăn chặn sự hình thành khối u tự phát và chất gây ung thư MCA ở chuột. Hơn nữa, những bệnh nhân ung thư có hoạt tính tế bào NK thấp có tỷ lệ sống sót kém hơn, đồng thời hoạt tính tế bào NK thấp tạo điều kiện cho sự tiến triển của bệnh tiền ung thư thành ung thư cũng như di căn.
Một nghiên cứu thuần tập của Trung tâm ung thư Saitama kéo dài 11 năm về cư dân Nhật Bản đã cho thấy rằng những người thuộc nhóm có hoạt tính tế bào NK tự nhiên thấp có nhiều khả năng bị ung thư hơn. Cụ thể sau 11 năm điều tra với 3625 người (40 – 80 tuổi) sống ở tỉnh Saitama, Nhật Bản kết quả cho thấy nam giới trong nhóm tế bào NK hoạt tính thấp hơn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 1,7 lần so với nhóm có hoạt tính NK cao và phụ nữ có nguy cơ cao gấp đôi ở nhóm tế bào NK hoạt tính thấp. Như vậy có thể nói tỷ lệ hoạt tính NK là thước đo của sức đề kháng của cơ thể
Biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa hoạt tính NK và nguy cơ mắc ung thư ở nam và nữ
Theo một nghiên cứu khác đánh giá khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch NK ở những bệnh nhân ung thư tế bào biểu mô tuyến tụy. Nghiên cứu này được thực hiện trên 203 người (trong đó bao gồm 102 bệnh nhân ung thư tế bào biểu mô tuyến tụy (PDAC), còn lại 101 người khỏe mạnh). Kết quả cho thấy khả năng hoạt động tế bào NK máu ngoại vi của bệnh nhân PDAC thấp hơn đáng kể so với những người khỏe mạnh (mức trung bình, 95 pg / mL so với 2000 pg / mL, P <0,001), và khả năng hoạt động tế bào NK giảm có liên quan đến kết quả điều trị lâm sàng kém về mặt đáp ứng với hóa trị, sự tiến triển của khối u và khả năng sống sót.
Như vậy, qua các kết quả nghiên cứu trên đây có thể thấy rằng khả năng hoạt tính của tế bào miễn dịch NK có liên quan mật thiết đến khả năng hình thành và phát triển ung thư ở người. Hoạt động của tế bào NK càng thấp thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao, đồng thời ở bệnh nhân ung thư hoạt động của tế bào NK giảm khi ung thư tiến triển và hoạt tính Nk giảm cũng có liên quan đến việc đáp ứng điều trị lâm sàng.
Nguồn tham khảo:
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jgh.15265
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6658984/
https://link.springer.com/article/10.1007/s11523-020-00712-2
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11117911/